Chuỗi bài về phân tích kĩ thuật: “Để được đơn giản lại là cả một nghệ thuật”

 Chuỗi bài về phân tích kĩ thuật: “Để được đơn giản lại là cả một nghệ thuật”


Mọi nhà đầu tư chứng khoán đều ít nhiều biết đến Phân tích kĩ thuật - hơn thế nữa nhiều nhà đầu tư cực kỳ ưu ái cho trường phái này vì họ cho rằng đây là cách thể hiện “rõ ràng” nhất bản chất vận động của thị trường.


Có hàng chục nhánh khác nhau của phân tích kĩ thuật, mỗi phương pháp đều hỗ trợ - bổ sung và nâng cao cho nhau. Để cho những nhà đầu tư mới tiếp cận - thậm chí là hỗ trợ những nhà đầu tư lâu năm nhưng vẫn chưa tìm được phương pháp phân tích kĩ thuật phù hợp, chuỗi bài viết này sẽ là tất cả những gì bạn cần.


Trong chuỗi bài này, tôi sẽ tập trung khai thác các khái niệm cốt lõi và cơ bản nhất của Phân tích kĩ thuật nhưng đảm bảo được tính chính xác và ứng dụng cao nhất. 


Phần 1: Xu hướng - Đường xu hướng - Kênh xu hướng


Xu hướng


Xu hướng là khái niệm đầu tiên mà một nhà đầu tư theo kĩ thuật cần hiểu. Chắc hẳn những độc giả đọc bài viết này của tôi đã nắm rõ về các trạng thái xu hướng - ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ những kiến thức ít được quan tâm.


Xu hướng chính của thị trường không chỉ có tăng và giảm - thị trường/cổ phiếu còn có xu hướng đi ngang (và phần lớn thời gian thị trường sẽ đi ngang).


Khi xu hướng tăng (hoặc giảm) kết thúc - không có nghĩa 100% là sau đó giá sẽ ngay lập tức đảo chiều. Thông thường, sau khi xu hướng chính kết thúc, giá sẽ bước vào một vùng “tạo nguyên nhân” để định hình xu hướng mới thay vì ngay lập tức đảo chiều như nhiều người thường hiểu.


Một xu hướng mạnh/yếu chính là kết quả của vùng “tạo nguyên nhân”. Nếu vùng đi ngang càng lâu … thì xu hướng sau đó càng mạnh.


Trên đó là những kiến thức về xu hướng ít nhà đầu tư được tiếp cận. Phần tiếp theo đây sẽ nói về Đường xu hướng - Trend line.


Đường xu hướng


Xu hướng giá tăng và xu hướng giá giảm cũng được nghiên cứu dưới dạng các đường xu hướng. 


Với xu hướng giá tăng ta có đường xu hướng giá tăng, đây là đường nối các điểm đáy cao dần lên và đường xu hướng giảm là đường nối các đỉnh thấp dần. Đường xu hướng có thể kéo dài thậm chí nhiều năm. Qui trình vẽ một đường xu hướng khá đơn giản nhưng cũng rất dễ nhầm. Điều căn bản là phải có những dấu hiệu chắc chắn về sự xuất hiện một xu hướng giá. Khi muốn vẽ một xu hướng giá tăng ta phải có ít nhất hai điểm đáy mà đáy sau cao hơn đáy trước. Tất nhiên điều kiện cần và đủ để có thể vẽ được một đường thẳng là phải có hai điểm, tuy nhiên người ta thường đợi cho đến khi xuất hiện một đáy thứ ba cao hơn hai đáy trước và đường xu hướng đi qua cả 3 đáy (một cách tương đối). Điều này có nghĩa là đường xu hướng có thể không đi qua đáy thứ ba mà chỉ đi sát, nhìn chung như thế là đạt yêu cầu. Nhưng một đường xu hướng đi qua cả đáy bao giờ cũng được coi là một đường xu hướng chính xác và có độ tin cậy cao.



Khi một đường xu hướng đã được xác nhận về độ chính xác thì nó sẽ trở nên rất hữu ích bởi tính chính xác ấy đảm bảo chắc chắn hướng chuyển động ổn định của giá. Với xu hướng giá tăng, sau mỗi đợt tăng biến động điều chỉnh xuất hiện sẽ kéo giá xuống sát hoặc đến đúng đường xu hướng những sẽ không xuống thấp hơn nếu xu hướng thị trường vẫn đang ổn định. Đường xu hướng lúc này là biên thấp nhất của dao động giá. Tương tự, với thị trường đang có xu hướng giá giảm thì đường xu hướng sẽ là biên cao nhất cho mọi dao động giá. Như thế, các đường xu hướng chính xác của thị trường sẽ là các biên dao động cơ sở để xác định mức giá mua và bán tối đa và tối thiểu hợp lý.



Nếu chuyển động của đồ thị vượt lên đường xu hướng giảm hoặc xuống dưới đường xu hướng giá tăng thì đây là dấu hiệu, có thể nói là sớm nhất, cho sự thay đổi trong xu hướng thị trường.


Kênh xu hướng


Kênh xu hướng  là khoảng giao động của giá, nếu giá sẽ dao động trong một dải thì dải đó gọi là kênh. Dải dao động đó được xác định bởi hai đường biên là đường xu hướng và đường kênh (channel line), hai đường này song song với nhau. Vấn đề là làm sao có thể xác định được hai đường này chính xác nhất.



Sau khi đã xác định được đường xu hướng như trên, giả sử với xu hướng giá tăng, ta vẽ đường kênh là một đường song song với đường xu hướng và đi qua đỉnh giá rõ nhất đầu tiên. Nếu ở lần tăng giá tiếp theo giá tăng đến gần hoặc chạm vào đường kênh rồi lại giảm xuống đến gần đường xu hướng thì khả năng có thể tồn tại một kênh dao động của giá. Với xu hướng giá giảm việc vẽ và xác định kênh là hoàn toàn tương tự, tất nhiên là theo hướng ngược lại.


Mỗi lần giá chạm vào hoặc đến gần đường kênh rồi quay trở lại xuống đến đường xu hướng là một lần kênh được kiểm tra thành công. Kênh tồn tại càng lâu với càng nhiều lần thử thành công thì vai trò cũng như độ tin cậy của nó càng lớn. Kênh có thể sử dụng cho kiếm lời trong ngắn hạn và thậm chí một số nhà đầu tư táo bạo còn sử dụng đường kênh để tiến hành những giao dịch ngược hướng với xu hướng thị trường nhằm tìm kiếm những khoản lợi lớn hơn cho dù giao dịch ngược hướng thị trường có thể là một chiến thuật nguy hiểm và phải trả giá đắt.


Khi chuyển động của giá trên thị trường phá vỡ đường xu hướng thì có thể gây ra sự đảo chiều của xu hướng thị trường, nhưng nếu đường kênh bị chuyển động của giá phá vỡ (khi giá vượt ra ngoài đường kênh) thì tác động lại hoàn toàn ngược lại: đây là dấu hiệu cho sự gia tăng sức mạnh của xu hướng hiện tại, thậm chí một số nhà đầu tư tin tưởng rằng việc phá vỡ kênh cho giá một xu hướng ổn định hơn.


Ngược lại, khi giá không lên được đến đường kênh mà quay ngược trở lại quá sớm thì đây lại là dấu hiệu dự báo sớm sự suy giảm của xu hướng hiện tại và là dấu hiệu cho thấy có thể chuyển động của giá sẽ phá vỡ đường xu hướng.



Minh họa: Trong kênh giá tăng, nếu giá chưa lên được biên trên mà quay đầu là tín hiệu rủi ro cảnh báo đảo chiều mạnh.


Nói chung việc chuyển động của giá không thể đạt đến sát một trong hai đường biên của kênh có thể là một dấu hiệu sớm cho thấy xu hướng giá có thể thay đổi và khả năng chuyển động của giá có khả năng sẽ phá vỡ đường biên còn lại của kênh. 


Minh họa: Trong xu hướng giảm nếu giá chưa về biên dưới kênh giảm mà quay đầu tăng là tín hiệu báo hiệu giá sắp tăng mạnh.


Nếu chuyển động của giá vượt qua đường kênh một khoảng lớn thì đây là dấu hiệu cho thấy xu hướng lên giá đang mạnh lên, thường ta sẽ phải vẽ một đường xu hướng mới dốc hơn từ điểm đáy cuối cùng song song với đường kênh mới. Thực tế cho thấy đường xu hướng mới này hoạt động tốt hơn đường cũ.


Nếu giá không đạt được đến đường kênh và chuyển động phá vỡ đường xu hướng thì điều này chỉ ra rằng xu hướng thị trường đổi chiều thành xu hướng giá giảm.


Một kênh giá đúng là khi chúng ta không được ép giá vào trong kênh để vẽ. Nếu cố làm như vậy kênh giá sẽ sai và sự phán đoán về diễn biến thị trường tiếp theo sẽ càng sai lệch.


Ngoài ra kênh và các đường kênh còn mang một ý nghĩa khác: Khi giá chuyển động phá vỡ xu hướng hiện tại - xuất hiện break out thì từ kênh hiện tại, giá thường sẽ chuyển động một khoảng bằng với độ rộng của kênh đó.


Như thế, để xác định điểm dừng của chuyển động này ta có thể tính tương đối chính xác bằng cách đo độ rộng của kênh vừa bị phá vỡ và dự kiến điểm dừng từ điểm giá vượt ra ngoài kênh (Tuy nhiên cần luôn luôn lưu ý rằng trong hai đường biên của kênh thì đường xu hướng luôn có vai trò quan trọng và đáng tin cậy hơn, đường kênh chỉ là một công cụ kĩ thuật xuất phát từ đường xu hướng)



(còn tiếp Phần 2: Pull Back - Xác định hỗ trợ/kháng cự chuẩn)


Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.


Theo dõi các video hướng dẫn phân tích kĩ thuật tại kênh YOUTUBE của tôi TẠI ĐÂY


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
StockVN247 là trang cung cấp thông tin thị trường, công cụ phân tích, hướng dẫn đầu tư và kết nối cộng đồng để hỗ trợ bạn tạo ra quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả.